Yêu thương là hơi ấm để truyền đi,êuthươnglàcáchgiáodụchiệnđạivĩnhcửtuổi dậu từ trái tim này đến trái tim khác, từ trái tim thầy cô đến trái tim học trò, chỉ cần nhẹ nhàng thôi, nhưng đủ sức lan tỏa khắp bầu khí quyển của giáo dục.
Tôi được gửi tặng cuốn sách nhỏ trình bày theo kiểu rất nhi đồng: Giáo dục bằng tình yêu thương. Tôi cũng đoán đó là cuốn sách không cần đọc theo trình tự từ trước đến sau. Vậy nên tôi giở ngẫu nhiên một trang... Nếu đúng là yêu thương thì sẽ thế, sẽ không cần đến trình tự nào cả.
BÀI HỌC CỦA SỰ THẤU CẢM
Cú lật trang ngẫu nhiên dẫn tôi đến câu chuyện Giờ học đặc biệt từ "bữa ăn trong bóng tối". Một cô giáo tổ chức cho những đứa trẻ sáng mắt tham gia trải nghiệm bịt mắt để ăn trong bóng tối. Rồi không chỉ là bữa ăn, mà còn là nhảy dân vũ, thi đá bóng, thi nhạc cụ… cũng là "trong bóng tối" để có thể thấu cảm với các học sinh khiếm thị.
Thứ bóng tối dằng dặc suốt cuộc đời đứa trẻ khiếm thị và thứ bóng tối tạm thời phía sau tấm băng bịt mắt ở những đứa trẻ sáng mắt có gì khác nhau không? Có, chắc chắn đó là sự khác nhau của thân phận, sự khác nhau của nghịch cảnh đặt lên người này mà không phải người kia. Và sự khác nhau đó có thể là nguồn cơn của sự vô tâm, sự kỳ thị mà những đứa trẻ sáng mắt dành để đối đãi với những người bạn nhỏ không may mắn như chúng.
Câu chuyện khiến tôi sực nhớ lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama): "Khi giáo dục trí tuệ cho thế hệ trẻ, chúng ta không được quên giáo dục tấm lòng của các em". Nhưng ngay cả khi chúng ta không quên việc giáo dục tấm lòng cho con trẻ, thì có thể chúng ta vẫn không biết cách phải làm điều đó thế nào? Cô giáo Thủy trong câu chuyện "bữa ăn trong bóng tối" ấy chắc chắn phải là cô giáo đã tự đặt mình vào trong thứ bóng tối số phận ấy của học trò, rồi để trái tim của một người biết yêu thương trẻ giữ vai trò thiết kế chuỗi trải nghiệm đặc biệt "bữa ăn trong bóng tối". Tôi chỉ tự hỏi, bao nhiêu yêu thương trong trái tim cô giáo ấy là đủ để thắp lên ngọn nến ấm áp như thế trong con trẻ?
GIÁO DỤC NÊN LÀ MÓN QUÀ TẶNG
Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện yêu thương khác trong tập sách của những người làm báo suy ngẫm về giáo dục. Mỗi câu chuyện chỉ vài trang, có thể chỉ cần vài ba phút để đọc, nhưng phải cần đến nhiều thời gian hơn thế để suy ngẫm. Điều ấm áp yêu thương trong giáo dục con trẻ không chỉ nên là câu chuyện để đọc trên trang giấy, và để tán thưởng bởi dăm ba ngôn từ sáo rỗng. Nói như Aristotle: "Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục". Yêu thương là hơi ấm để truyền đi, từ trái tim này đến trái tim khác, từ trái tim thầy cô đến trái tim học trò, chỉ cần nhẹ nhàng thôi, nhưng đủ sức lan tỏa khắp bầu khí quyển của giáo dục.
Sao giáo dục lại không thể giống như một món quà tặng nho nhỏ được người lớn trao cho bọn trẻ mỗi ngày, theo cách rất tự nhiên, nhưng sẽ thấm sâu vào tâm trí chúng. Cớ sao thầy cô cứ phải "gồng" lên với đầy rẫy những khẩu hiệu giáo dục được xem là hiện đại? Trong khi yêu thương mới chính là cách giáo dục hiện đại vĩnh cửu của Con Người.
Giáo dục là làm thay đổi, là vun trồng tinh thần con người
Giáo dục bằng tình yêu thương là một cuốn sách nhỏ tập hợp những bài viết ngắn ghi lại những việc nhỏ, những sự kiện, tình huống giáo dục, thậm chí chỉ là một trạng thái cảm xúc, một khoảnh khắc trong cuộc sống. Tuy là những việc rất nhỏ, nhưng vấn đề mà những bài viết nhỏ này đề cập và thể hiện lại là vấn đề hết sức lớn của giáo dục. Đó là lấy tình yêu thương để thực hành giáo dục, để xử lý những vấn đề của giáo dục.
Giáo dục bằng và từ tình yêu thương, không chỉ là một triết lý, mà là một thực tiễn cần có của giáo dục. Người làm giáo dục cần có tấm lòng rộng mở, vị tha, chia sẻ và bao dung.
Giáo dục là làm thay đổi, là vun trồng tinh thần con người. Tình yêu thương có sức mạnh và khả năng lan tỏa đặc biệt, là nguồn năng lượng to lớn, vô tận và sâu xa vô cùng. Nguồn năng lượng ấy có thể nuôi dưỡng, làm tăng lên tình yêu thương của cả chính người cho đi và cả người được nhận nó. Năng lượng của tình yêu thương có thể làm thay đổi người khác, có thể xóa đi mọi sự khác biệt, nó là loại trí tuệ đặc biệt để thức tỉnh cả những người khó thức tỉnh nhất và thay đổi người khó thay đổi nhất. Yêu thương có thể tập hợp, dẫn dắt và nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Đọc những câu chuyện trong tập sách này, tôi rất cảm động bởi cách nhìn, cách xử lý của người trong cuộc và của các nhà báo thể hiện qua góc nhìn và thái độ của mình. Mục tiêu lớn nhất, lâu dài nhất, bền vững nhất, thiêng liêng nhất của giáo dục là phát triển con người. Đổi mới giáo dục là việc rất lớn và rất khó, nhưng đổi mới giáo dục bắt đầu ở những việc nhỏ, xử lý những việc cụ thể như trong những câu chuyện này chứ đâu chỉ những việc to tát xa xôi?
Cảm ơn tấm lòng của các nhà báo, các tác giả, cả những người có ý tưởng và làm cuốn sách này. Cảm ơn một tinh thần giáo dục sâu sắc và tinh tế.
Tôi tin rằng cuốn sách nhỏ này sẽ có sự lay động và lan tỏa lớn.
PGS-TS Nguyễn Kim Sơn (Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)
Các địa điểm phát hành sách
Hệ thống Nhà sách Fahasa.
Hệ thống phát hành sách của NXB Giáo dục VN:
- Tại Hà Nội:Hệ thống cửa hàng Edubook https://edubook.com.vn.
- Tại Đà Nẵng:
+ Nhà sách Giáo dục: 272 Trần Cao Vân, Q.Thanh Khê.
+ Kênh bán sách trực tuyến tại: http://iseebooks.vn.
- Tại TP.HCM:
+ Cửa hàng sách giáo dục: 231 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5.
+ Kênh bán sách trực tuyến: https://phuongnamretail.vn, Shopee Mall giaoduc.phuongnam.
+ Trung tâm sách và thiết bị giáo dục miền Nam: 240 Trần Bình Trọng, P.4, Q.5.
+ Nhà sách và thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương: số 223 Nguyễn Tri Phương, P.9, Q.5.
+ Cửa hàng số 123 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh.
- Tại TP.Cần Thơ:Công ty CP Sách - TBGD Cửu Long: số 93 Trần Văn Hoài, Q.Ninh Kiều.